Bán hàng đa cấp hay kinh doanh theo phương thức là một phương thức bán lẻ hàng hóa. Trong đó, thay vì bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị…, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người bán hàng, hay còn gọi là “nhà phân phối”. Người bán hàng sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng lưới bán hàng do mình xây dựng. Dưới đây là một số hình thức dễ bị nhầm lẫn là hoạt động kinh doanh đa cấp:
a. Kinh doanh bảo hiểm
Một số loại hình kinh doanh bảo hiểm ví dụ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là loại hình kinh doanh hợp pháp với đối tượng kinh doanh là dịch vụ bảo hiểm, tài chính có sử dụng mô hình tương tự đa cấp được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động và tuân thủ theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm.
b. Tiếp thị liên kết - Affiliate marketing
Tiếp thị liên kết (thuật ngữ này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật) đây là một hình thức tiếp thị hàng hóa dịch vụ sử dụng hình thức thương mại điện tử và cần phải đăng ký và tuân theo pháp luật về thương mại điện tử. Trong mô hình tiếp thị này, cộng tác viên sẽ quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ và nhận hoa hồng được theo dõi thông qua các liên kết trên môi trường Internet (ví dụ sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử…) được cấp riêng cho từng nhà tiếp thị liên kết. Hoa hồng khi cộng tác viên làm Affiliate Marketing hoa hồng có thể được tính theo giá trị đơn hàng hoặc theo con số cố định tuỳ nhà cung cấp. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở 01 cấp duy nhất tức bán hàng trực tiếp giữa Người bán – Cộng tác viên – Người tiêu dùng, không có đơn vị trung gian khác và không hình thành nhiều cấp, nhiều nhánh như kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
c. Bán hàng theo hình thức hội chợ, hội thảo tại các vùng nông thôn Đây là hình thức bán hàng của một số doanh nghiệp, nhóm kinh doanh về các thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương để mời, dụ dỗ theo hình thức hội chợ, hội thảo giới thiệu sản phẩm 1-2 ngày cho người dân nông thôn các mặt hàng đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, thuốc, máy mát-xa...
Trong một số trường hợp, các đối tượng này đã sử dụng hình thức này để lừa đảo người dân mua hàng hóa với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường nhưng chất lượng sản phẩm không kiểm soát được.
d. Hoạt động “thổi giá”, “làm giá ảo” với các sản phẩm
Ví dụ như “lan đột biến” được phản ánh trong thời gian gần đây. Hoạt động này được mô tả theo cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao, để kích thích người sau mua (thường để đầu tư) với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.