Ngoài các quy định tại Điều 5, Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những biểu hiện chính thường gặp của hành vi bán hàng đa cấp bất chính, đa cấp không phép có thể tổng hợp như sau:
a. Cung cấp thông tin gian dối về sản phẩm. Đây là dạng vi phạm phổ biến nhất của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính. Để thu hút được người tham gia và mua hàng, các doanh nghiệp có xu hướng nói quá về công dụng sản phẩm về cơ hội làm giàu khi tham gia kinh doanh với Công ty.
b. Cung cấp thông tin gian dối về cơ hội kinh doanh, Một hình thức khác của dạng vi phạm này là quảng bá về cơ hội làm giàu nhanh chóng khi tham gia bán hàng đa cấp.
c. Yêu cầu đặt cọc, nộp tiền tham gia hoặc bắt buộc mua hàng hóa khi tham gia; đây cũng là dạng thức bán hàng đa cấp bất chính diễn ra phổ biến trong thời kỳ đầu bán hàng đa cấp du nhập vào Việt Nam. Các doanh nghiệp bất chính thường tìm cách dụ dỗ, khiến cho người tham gia phải bỏ ra một số tiền ban đầu để gia nhập vào mạng lưới. Sau khi mất tiền để tham gia, người tham gia tiếp tục mời gọi những người khác nộp tiền vào mà không mua bán sản phẩm gì, hoặc có sản phẩm nhưng sản phẩm không có giá trị. Cứ như vậy, tiền được nộp vào hệ thống không dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mà chỉ nộp tiền khống, dùng tiền đó chi trả hoa hồng cho người vào trước. Những người vào sau chiếm số đông trong mạng lưới sẽ chịu thiệt hại, không đòi lại được tiền khi hệ thống không thể tuyển thêm được người nộp tiền vào.
d. Cho người tham gia nhận tiền từ việc tuyển dụng người mới. Trả tiền cho việc tuyển dụng là một trong những dấu hiệu nhận biết căn bản đối với hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Ở những doanh nghiệp này, việc bán hàng không được chú trọng mà chỉ tập trung tuyển dụng, lôi kéo người mới tham gia. Để khuyến khích tuyển dụng, doanh nghiệp chi trả một khoản hoa hồng cho người tham gia khi người đó tuyển được một người mới.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng của các doanh nghiệp này thường gắn với việc người được tuyển dụng nộp một khoản tiền dưới các hình thức khác nhau như đặt cọc hay mua hàng. Nguồn gốc khoản tiền thưởng dành cho người tuyển dụng cũng chính là từ khoản tiền do người được tuyển dụng nộp cho Công ty. Các doanh nghiệp này sẽ tồn tại đến khi không tuyển được người mới nữa, không còn tiền để chi trả cho tuyến trên nữa thì sẽ tự sụp đổ.
e. Cho người tham gia đầu tư nhiều mã số, ký nhiều hợp đồng. Trong hoạt động bán hàng đa cấp chính thống, mỗi người tham gia chỉ ký một hợp đồng tham gia và được cấp một mã số để xác nhận vị trí trong mạng lưới của Công ty. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, người tham gia được khuyến khích đầu tư nhiều tiền, thông qua việc một người ký nhiều hợp đồng, tạo lập nhiều mã số trên hệ thống, mỗi mã số nộp một khoản tiền, hệ thống sẽ xếp các mã số để mã số trên được hưởng hoa hồng từ mã số phía dưới. Theo cách này, khi mới gia nhập, người tham gia sẽ được nhận một khoản hoa hồng nhất định, thực chất là từ doanh số của các mã số tuyến dưới của chính mình. Tuy nhiên, đến các kỳ tính thưởng tiếp theo, người đó sẽ không còn được hưởng hoa hồng gì nếu không đầu tư thêm tiền, bởi các mã số này đều là mã số ảo, không tự phát sinh được hoa hồng do không có hoạt động mua bán liên quan đến mã số đó.